
Cẩm nang mua đồng hồ ONLINE P.1
Khi mọi hiểu biết về đồng hồ nằm trong lòng bàn tay của bạn, việc mua đồng hồ trên mạng luôn nhanh gọn và đơn giản.
Thế nên, cẩm nang này dành riêng cho những ai còn đang loay hoay, bối rối trước vô vàn các mẫu đồng hồ và trang bán hàng. Cẩm nang sẽ chẳng cầm tay chỉ bạn chiếc đồng hồ đúng đắn nhất, một cửa hàng hay trang bán hàng cụ thể – nơi cho bạn dịch vụ hay sản phấm tốt nhất. Sứ mệnh của cẩm nang chỉ gồm hai phần: giúp bạn phân biệt được những cách khác nhau để mua đồng hồ online và cảnh báo bạn về những sai lầm dễ mắc phải trong quá trình này.

Một chút gợi mở.
Ở bất kì thời điểm nào, phụ thuộc vào loại đồng hồ bạn đang kiếm tìm, có vô vàn sự lựa chọn khác nhau về mẫu mã, chất lượng lẫn giá tiền bao vây bạn. Nhưng chúng chỉ làm bạn thêm bối rối và ngăn bạn tìm thấy chiếc đồng hồ đích thực. Ngay cả khi chưa thực hiện cuộc giao dịch nào, dữ liệu về mua sắm đồng hồ trên mạng đa phần bắt nguồn từ những người đang quan tâm đến chủ đề này. Chỉ cần không tìm hiểu trước thông tin trên mạng, bạn có nguy cơ cao phung phí đi quá nhiều tiền hay trót mua một chiếc đồng hồ “trớt quớt” vì phút giây suy nghĩ thiếu kĩ lưỡng. Chính vì thế, với kho tàng thông tin từ mạng internet, phần lớn người tiêu dùng luôn tự mình tham khảo các sản phẩm trước khi đưa ra quyết định.
Như đã nói, cẩm nang sẽ không nói chính xác bạn cần mua gì. Quan trọng hơn hết, chúng tôi muốn đưa bạn gần hơn đến những nhãn hàng, sản phẩm độc đáo và chất lượng, phù hợp với cả túi tiền lẫn ý thích. Những lời khuyên đề cập trong cẩm nang liên quan đến các vấn đề như: mua mới hay cũ, mua chính hãng hay thông qua cửa hàng bán lẻ. Trong lý thuyết, tất cả đồng hồ đều như nhau, tuy nhiên không phải chiếc nào cũng sẽ có đầy đủ bao bì, giấy bảo hành hay được kiểm tra kĩ lưỡng, có rất nhiều chiếc được mua lại và ở nhiều tình trạng khác nhau.

Không lâu trước khi cẩm nang được viết, đội ngũ aBlogtoWatch đã thực hiện một cuộc thử nghiệm nhỏ. Chúng tôi chọn một số sản phẩm nổi tiếng từ các hàng uy tín để xem có bao nhiêu sự lựa chọn để mua chúng trên mạng. Kết quả là điều đáng quan tâm nếu bạn nghĩ rằng, người tiêu dùng nào cũng muốn mình tự tin khi mua hàng. Hầu hết các trường hợp, chỉ với một sản phẩm đã có hơn 20 sự lựa chọn khác nhau đến từ nhiều kênh bán hàng trên toàn thế giới. Sự đa dạng từ nơi mua đến giá cả (sự chênh lệch về giá giữa hàng mới chính hãng, hay hàng đã qua sử dụng), làm không ít người băn khoăn. Ngay lúc đó, phần lớn sẽ ngừng suy nghĩ để lựa chọn mà chuyển qua tập trung tìm nhiều thông tin hơn, đến khi thật sự chắc chắn với quyết định của mình.
Đôi lúc, chiếc đồng hồ với mức giá thấp nhất chưa hẳn là một sự lựa chọn tốt. Bởi lẽ, một chiếc đồng hồ có giá thấp hơn thị trường, mang dấu hiệu đã gặp trục trặc về bề ngoài hoặc kĩ thuật hay tệ hơn là bị đánh cắp. Một số trường hợp hi hữu khác, bạn có thể trót mua một chiếc đồng hồ giả, dù bản thân từng đinh ninh đó là hàng thật. Hầu hết khi ai đó mua đồng hồ giả, họ đều có ý thức riêng về việc này. Tuy vậy, chỉ trừ những người mua hoặc sưu tầm đồng hồ hiểu biết và thông thạo, những kênh bán lẻ không chính thống hoặc ngang hàng (peer to peer forums) là nơi chứa đầy cạm bẫy.
Ngâm cứu xong cẩm nang, bạn sẽ phân biệt được các dạng kênh mua hàng cũng như hiểu được các tình trạng khác nhau của đồng hồ để đưa quyết định sáng suốt nhất. Tất nhiên, bạn vẫn cần lắm sự kiên nhẫn để tự mình tìm hiểu nhiều thông tin và đôi lúc cần cả sự mạo hiểm. Thế nhưng, với những kinh nghiệm và hiểu biết sẵn có, những lời khuyên mà cẩm nang mách bảo sẽ phần nào giúp bạn không rơi vào những “hố lừa” mua sắm và tìm được chiếc đồng hồ thật vừa ý.

Mua đồng hồ trên mạng và trực tiếp.
Độc giả của aBlogtoWatch gồm hai nhóm chính: người mua hàng trên mạng và người mua hàng từ cửa hàng thực tế. Rất khó để tìm được một ai có tần suất mua hàng tương đương giữa cả hai hình thức. Những người tiêu dùng truyền thống sẽ không dễ dàng từ bỏ sự tự tin và các mối quan hệ có được khi mua sắm tại các cửa hàng. Những người mua hay sưu tầm đồng hồ dày dặn kinh nghiệm ngày càng nắm bắt cơ hội trên mạng. Làn sóng này bắt nguồn từ sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử cộng hưởng với những ưu đãi về giá cũng như sự đa dạng mà thị trường này mang lại.
Tuy vậy, những cơ hội mua hàng tốt không đơn thuần có sẵn trên mạng. Trao đổi riêng với người bán là bước quan trọng để đạt được mức giá tốt nhất bất kể bạn mua hàng bằng hình thức nào. Về cách để có được những khuyến mãi lớn hơn, tiếc thay, nằm ngoài phạm trù của cẩm nang.
Sự thông dụng của mua sắm đồng hồ trên mạng khởi đầu như một cách để các tay sưu tầm đồng hồ trao đổi và mua bán. Dần dần những nhãn hàng lớn và các kênh bán hàng nhỏ lẻ cũng bắt đầu tập trung hơn vào hình thức kinh doanh này, như một cách để tiếp cận trực tiếp các khách hàng tiềm năng. Nhờ vậy, mạng internet không chỉ là nơi để tìm kiếm thông tin về sản phẩm mà còn được dùng để mua bán và so sánh mức giá.

Nếu trước kia, ta phải chạy khắp nơi để so sánh giá của các cửa hàng, thì giờ đây chỉ cần vài cú click chuột. Tiện ích mà internet mang lại vô tình gây hại cho những cửa hàng thực tế -nơi phụ thuộc nhiều vào các khách hàng chưa biết so sánh giá. Việc đến trực tiếp các cửa hàng, cũng dần trở thành một phần không cần thiết. Dễ dàng thấy được, so với trước đây, khách hàng ngày càng chú trọng nhiều đến mức giá của sản phẩm.
Khi giá cả là yếu tố được quan tâm nhất, trải nghiệm mua đồng hồ cũng khác đi, khi cuối cùng, khách hàng sẽ là những người chiến thắng. Những khách hàng kiên định luôn được lợi từ những thông tin họ tìm hiểu, cũng như hiểu rõ rằng mức giá được đề ra chưa chắc phản ánh đúng giá trị của thị trường. Điểm khác biệt lớn nhất của việc mua đồng hồ trực tuyến và mua đồng hồ trực tiếp nằm ở khía cạnh con người. Để bàn luận về đồng hồ, hay thương thảo thêm về giá cả, thì không thể thiếu việc trò chuyện với người bán. Tất nhiên, nhắn tin trên mạng vẫn có thể cho kết quả tương tự, nhưng phần lớn, chuyện trò mặt đối mặt sẽ tăng cơ hội thành công lên cao.
Danh tiếng của những cửa hàng đồng hồ uy tín dễ dàng đi xuống nếu dịch vụ kém chuyên nghiệp hoặc không tận tâm, kéo theo sự giảm xút trong khách hàng (dù đâu đó vẫn có rất nhiều người bán hàng hết lòng với công việc). Không nên vì những trải nghiệm mua hàng kém thoải mái ở một nơi mà bỏ qua hoàn toàn việc mua đồng hồ trực tiếp bởi lẽ xây dựng mối quan hệ thân thiết với người bán hàng sẽ là một điểm lợi cho bạn (đặc biệt với các tay sưu tầm đồng hồ).
Chúng tôi không tách biệt hoàn toàn việc mua đồng hồ trên mạng và trực tiếp, vì cả hai hình thức tưởng chừng rất khác nhau vẫn có nhiều điểm chung. Ranh giới giữa chúng mờ dần khi các cửa hàng thực tế bắt đầu phát triển nhánh bán hàng trên mạng. Người tiêu dùng nên nhớ rằng: việc mua đồng hồ cao cấp (online) sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng khi hình thức này được công nhận chính thức.

Bạn có thể hoàn trả lại đồng hồ nếu mua chúng trên mạng?
Tốt nhất nên giữ suy nghĩ rằng bạn không thể hoàn trả lại đồng hồ sau khi đã mua. Tất nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đều từ chối hoàn trả, nhưng chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều trở ngại từ người bán. Lời khuyên chân thành là hãy tìm hiểu thật nhiều và thật kĩ trước khi đầu tư vào một món hàng giá trị như đồng hồ. Mua đồng hồ trên mạng, không được tận mắt kiểm tra, vì thế mang lại nhiều hoài nghi cho người mua. Sẽ ra sao nếu chiếc đồng hồ không hợp với dáng người, tính cách của bạn dù phần thiết kế làm bạn mê mẩn? Hay khi bạn đã tìm được mẫu đồng hồ phù hợp, nhưng chiếc bạn đang nhắm đến lại có những lỗi kĩ thuật không rõ nguyên nhân (có thể do người dùng trước). Những lý do trên đều chính đáng để bạn hoàn trả, nhưng cần chuẩn bị tâm lý rằng bạn chỉ thành công khi lỗi sản phẩm thuộc về nhà máy. Vậy ta đúc kết được gì?
Mua một chiếc đồng hồ, chưa một lần đeo thử là một sự mạo hiểm. Vẫn có xác suất bạn thắng, nhưng tất nhiên, đối với mảng ăn mặc, khó mà chắc chắn đó là món hàng phù hợp cho đến khi bạn thật sự thử trên người. Lời khuyên ngắn gọn rằng: nếu có cơ hội hãy thử món hàng bạn đang có ý định mua (từ cửa hàng hay từ người chủ trước). Những bức ảnh chụp sản phẩm (có vẻ) chân thật và chi tiết nhưng không thể bằng trải nghiệm thực tế của chính bạn. Trừ khi bạn tinh tường trong việc đánh giá hình ảnh trên mạng, việc mơ hồ mua một món hàng giá trị nhưng khó hoàn trả, chắc chắn là một ý tưởng tệ.

Khảo sát những kênh mua đồng hồ trên mạng.
Thông qua thương mại điện tử
Sau một khoảng thời gian chần chừ, ngày càng nhiều nhãn hàng gia nhập hệ thống thương mại điện tử. Xu hướng này khiến việc mua đồng hồ trên mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là cho những ai không hứng thú trong việc dò tìm hay dễ lạc lối giữa các lựa chọn. Dù vài hãng lớn như Rolex vẫn chưa gia nhập thị trường online, các hãng khác như: Omega, Panerai, IWC và Hamilton đã bắt đầu kinh doanh trên mạng. Không hề ngẫu nhiên khi các nhãn hàng sở hữu bởi những tập đoàn như Swatch hay Richemont thúc đẩy nhanh việc hòa nhập vào thị trường trên mạng. Bởi lẽ những nhà đầu tư của các tập đoàn lớn không thể nào ngó lơ một thị trường tiềm năng như vậy.

Kênh bán lẻ chính thức.
Những cửa hàng bán lẻ chính thức – nơi phân phối sản phẩm cho nhiều nhãn hàng khác nhau- cũng dần xuất hiện trên mạng. Ví dụ điển hình như: Westime (Los Angeles), Govberg (Pennsylvania), Bucherer (vừa mua lại Tourneau), Topper Jewelers (Thung lũng Silicon) và một số khác.
Thông thường, những thương hiệu trên có một lượng lớn khách hàng thân thiết nhờ vào uy tín lâu năm của mình, nhưng gần đây họ còn mở rộng mảng bán hàng online với các bộ sưu tầm đồng hồ cổ (pre-owned selection). Govberg chạy Watchbox như một nhánh nhỏ tập trung vào đồng hồ cổ, trong khi một số nơi Topper và Westime có hẳn một mục “pre-owned” trên trang chủ.
Các kênh bán lẻ online như Mr. Porter ngoài thời trang cao cấp, phụ kiện và giày, vươn rộng hơn với cả đồng hồ. Sự phát triển này là thường thấy với các kênh bán lẻ khi họ muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường thương mại điện tử. Điều đáng lưu ý là Mr Porter đã được mua lại bởi Richemont Group- nơi sỡ hữu các hãng như Cartier, Panerai, Jaeger-LeCoultre và nhiều hãng khác.
Ngoài ra, còn có một số kênh bán lẻ trên mạng tập trung vào một dòng sản phẩm hay khách hàng (niche third-party retailers online). Ví dụ điển hình ta có Chrono24 (một kênh chuyên về dòng đồng hồ “pre-owned”: đồng hồ cổ), nơi được công nhận để bán hàng chính hãng từ Moritz, Grossman, Nomos và cả Porsche Design. Truefacet -một kênh bán đồng hồ “pre-owned”- cũng làm điều tương tự với mảng “Brand Boutique”, giúp họ trở thành kênh bán lẻ cho nhiều hãng như HYT, Bovet và Arnold & Son.

Mảng “xám”.
Đây là thị trường rất được người Việt Nam ưa chuộng vì giá rẻ – hay còn gọi là hàng order
Giải thích ngắn gọn, mảng “xám” là các nơi bạn có thể mua (tạm tin tưởng được) những chiếc đồng hồ chính hãng mới, được bán bởi những nhà phân phối không được thừa nhận. Độ thu hút của mảng “xám” đến từ những ưu đãi đặc biệt về giá, dù hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không có bảo hành từ hãng hoặc phải chờ lâu đến lạ thường để nhận được hàng. Điều này cũng không khó hiểu khi nguồn hàng của mảng “xám” luôn là một bí ẩn. Đa số đồng hồ ở mảng “xám” là hàng thừa không bán tại các xưởng sản xuất từ mọi nơi trên thế giới.
“Mảng xám” cứ thế mà ngày càng đông đúc. Tuy chúng tôi không thể trực tiếp chia sẽ về trải nghiệm mua hàng ở đây, nhưng nhìn chung, đã có rất nhiều cuộc giao dịch thành công xảy ra trên những mảng “xám” lớn như: Jomashop.

EBay và Đấu giá đồng hồ.
Sự phổ biến của những trang đấu giá đồng hồ như eBay đã thúc đẩy sự phát triển của việc bán đồng hồ trên mạng và giúp eBay trở thành trang nổi tiếng nhất đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của cả người bán lẫn mua. eBay không trực tiếp là người đấu giá, mà đóng vai trò như người tổ chức. Tính đến thời điểm này, đây là trang mua sắm hiệu quả nhất dành cho những ai đã đủ đầy kinh nghiệm và sự tự tin. Tất nhiên, eBay thu một khoảng phí cho dịch vụ trên, nhưng so với nhiều trang khác, mức phí này không hề cao.
Đấu giá đồng hồ ngày càng phổ biến trong vài năm trở lại đây với nhiều sự lựa chọn đến từ mọi nơi. Đấu giá, theo lý thuyết, là để thị trường quyết định giá trị cho món hàng, thường áp dụng cho những món hàng hiếm hay độc lạ. Giá của những chiếc đồng hồ thông thường trên trang đấu giá sẽ cao hơn các cửa hàng vì hai lý do: những người mua chưa biết định giá và phần phí người bán cần trả. Những công ty đấu giá (auction house), hơn thế, lại tập trung hơn vào quảng bá và những câu chuyện truyền cảm hứng thay vì chất lượng đồng hồ. Công ty đấu giá (trái lại với các diễn đàn đấu giá), thường là những người chiến thắng vẻ vang trên chiến trường bán đồng hồ.
Lời khuyên ngắn gọn mà aBlogtoWatch dành cho bạn: hãy thật khôn ngoan và cẩn thận. Đấu giá đồng hồ là cách mua thông minh khi món hàng ưa thích của bạn là độc nhất vô nhị và chẳng còn gì khác để chờ đợi. Đối với ai mong muốn kiểm soát số tiền họ chi ra cho đồng hồ cần “chinh chiến” ở các công ty đấu giá đồng hồ với sự cẩn trọng thật cao.

Diễn đàn và Marketplace
*Mô hình thương mại điện tử marketplace là một “chợ” trung gian giúp người mua và bán dễ dàng tìm thấy nhau. (Ví dụ như Marketplace của Facebook hay Lazada).
Luôn có những người đam mê đồng hồ (rất nhiều người trong team aBlogtoWatch), thường xuyên lướt các diễn đàn online hay marketplace, cả khi họ không hề có ý định mua hàng. Những nơi như Watchuseek hay Watchrecon đã trở thành “chợ” online thuận tiện cho cả người mua lẫn bán và cũng là nơi để người bán quảng bá sản phẩm nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Sự đa dạng về đồng hồ của những trang web trên là vô hạn. Nhìn vào trang chủ của Watch Recon, bạn không hề thiếu sự lựa chọn vì ở đây bao quát từ đồng hồ Rolex Daytona cổ điển với giá $105000 cho đến đồng hồ Timex khiêm nhường $50 hay những chiếc Panerais.
Ngoài ra, có cả những diễn đàn tập trung cho một số hãng nhất định như Omega Forums, Rolex Forums (một số hãng ngang hàng vẫn có thể được thấy). Tất nhiên, những gì bạn cần là một tài khoản và nhận xét tốt từ người dùng. Bởi lẽ những lời phàn nàn về danh sách không rõ ràng hay dễ gây hiểu nhầm hoặc lừa đảo sẽ kéo danh tiếng của diễn đàn xuống vực sâu.

Cửa hàng chuyên đồng hồ “cổ” (preowned watch).
Những ai từng tìm kiếm đồng hồ Rolex “pre-owned” chắc chắn đã vào trang “Bob’s Watches” – một trong những nhà phân phối trên mạng lớn nhất của đồng hồ Rolex. Ngoài chú trọng vào Rolex, Bob’s vẫn bán sản phẩm từ những hàng đồng hồ lớn khác. Tuy vậy, Bob’s vẫn còn ở rất xa so với các cửa hàng đồng hồ “pre-owned” thực tế. Analog Shift hay Bulang & Sons đã nổi tiếng từ lâu và là địa điểm tin cậy với đa dạng các mẫu đồng hồ cổ điển. Ngoài ra, không thể không kể đến Crown & Caliber, nơi đáp ứng đầy đủ tất cả các mẫu đồng hồ “pre-owned” bạn từng tưởng tượng đến.
Chúng tôi cũng gợi ý bạn tìm những cửa hàng đồng hồ cổ và “pre-owned” có mảng bán hàng online để bạn có thể thử sản phẩm trực tiếp. Điều này chắc chắn đòi hỏi bạn phải tìm kiếm nhiều thông tin. Điển hình như ở Los Angeles, có những nơi như Second Time Around và WannabuyaWatch, bạn vừa có thể để mắt tới các sản phẩm trên mạng vừa có thể ghé kho hàng của họ bất kì lúc nào để thử sản phẩm khi tìm được một món ưng ý.
Đã có phần 2, anh em qua đó xem thêm nha. 😀
Tác giả : Bilal Khan , David Bredan, Ariel Adams.
Nguồn: ablogtowatch
Dịch: Hoàng Tú